“Một thời lừng lẫy đường đua

Tuổi già sức yếu vẫn chưa muốn về

Trọn đời sống với đam mê

Duyên thể thao hết mới về cõi tiên”.

86 tuổi, trước khi lâm bệnh nặng rồi qua đời, hàng ngày ông vẫn chạy đều vài km, vẫn đều đặn ra công viên huấn luyện đào tạo cho hàng trăm học trò. Ngay năm ngoái, Bùi Lương vẫn tham dự cuộc chạy quốc tế trên đất Malaysia và hoàn thành hành trình 10km với thông số cao ở mức không thể tin nổi với một cụ ông tuổi 85.

Cố HLV Bùi Lương cả đời sống trọn vẹn với đường chạy dài.

Cả đời mình, ông đã gắn bó trọn vẹn với đường chạy 68 năm, bắt đầu từ năm 1957 tại một giải chạy ở Hải Phòng khi đang tham gia lực lượng vũ trang. Bùi Lương từng lập kỳ tích 9 lần vô địch giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong, trong đó có 8 lần liên tiếp.

Vị HLV sinh năm 1939 cũng giữ kỷ lục quốc gia hai đường chạy 5000m và 10000m trong suốt 14 năm. Bùi Lương còn từng được tranh tài cùng ngôi sao Emil Zatopek, người giành 3 HCV tại Olympic 1952 ở giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong năm 1958 tổ chức tại công viên Bách Thảo.

Ngoài sự nghiệp VĐV lừng lẫy kéo dài tới 22 năm, kết thúc khi ông đã 38 tuổi là ông bố hai con, thì Bùi Lương tạo dấu ấn lớn nhất ở hành trình đặc biệt cùng thành tựu vô song của một HLV. Bùi Lương đã huấn luyện đỉnh cao trong 43 năm liên tục, cho đến tận khi ông đã 82 tuổi, điều có lẽ chưa từng có của không chỉ thể thao Việt Nam mà cả thể thao thế giới.

HLV Bùi Lương được coi là một ông “vua Midas” của đường chạy việt dã Việt Nam. Ông đã quá quen, thậm chí còn “đặc biệt thích” với công việc khó, mới – nơi luôn đòi hỏi ông thầy phát huy cao nhất năng lực xuất sắc, chuyên biệt của HLV.

Ở Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Biên Phòng, Bình Phước đều như vậy cả, Bùi Lương đều “cầm trịch” từ đầu đến cuối mảng chuyên môn, và luôn thành công, để lại cả một nền tảng vững chắc lâu dài cùng những học trò xuất sắc.

Thực tế, như trên đất Bình Phước, Bùi Lương chỉ mất đúng 1 năm để gây dựng lại đội việt dã từ con số 0 nổi lên như một “hiện tượng” mới, và giữ vị trí hàng đầu vượt trội hiện tại. Hay chỉ cần điểm qua cái tên thuộc diện quá “hiếm khó có tìm” như Đặng Thị Tèo, Nguyễn Chí Đông hay Hoàng Nguyên Thanh có thể thấy rõ điều đó.

Ông để lại di sản là những học trò ưu tú cùng thành tích vẻ vang cho thể thao nước nhà.

Giới chuyên môn đều vô cùng thán phục vì không có gì ở đường chạy dài Việt Nam, cả lịch sử, hiện tại lẫn xu thế tương lai, cả phong trào lẫn đỉnh cao “nằm ngoài” cụ ông 78 tuổi Bùi Lương. Ông vẫn nằm lòng từng thông số, bước chạy của các học trò cũ trên ĐTQG, rồi lực lượng, thuận lợi và khó khăn của các địa phương, thậm chí cả những biến động nhỏ.

Khi đã vượt qua cột mốc tuổi 80, Bùi Lương vẫn được các đồng nghiệp, học trò trầm trò ví von như… chỉ mới 60, nhất là xét trên sức khỏe và sức làm việc. Bùi Lương vẫn đi lại thoăn thoắt, mắt tinh, lưng thẳng, cười nói sang sảng, có thể đáp ứng tốt một lịch làm việc dày đặc, nặng nhọc giống như bất cứ HLV nào của ĐTQG, cũng như mọi áp lực tại các giải đấu đỉnh cao.

Bên cạnh sự rèn luyện suốt 68 năm với đường chạy, sở dĩ Bùi Lương có sức khỏe, sức làm việc phi thường như thế còn nhờ nếp sống đặc biệt giản dị, lành mạnh của ông. Ông không uống rượu, hút thuốc, ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn.

Ông được vinh danh đặc biệt ở giải thưởng Cúp Chiến thắng.

Cả khi huấn luyện hay nghỉ ở nhà, Bùi Lương vẫn duy trì nếp bắt đầu một ngày từ khoảng 4h “chào buổi sáng” bằng một vòng chạy 5km, rồi kết thúc một ngày với 45 phút đi bộ vào buổi tối. Trước đây, mọi người vẫn nhắc về ông với câu chuyện thật mà như huyền thoại khi ông mới có 2 lần phải vào bệnh viện, nhưng chỉ là với 2 bệnh hết sức thông thường, lần đầu tiên từ năm 1984 để khám họng và mãi 15 năm sau mới phải quay lại để khám răng.

Hôm qua, trái tim suốt đời đập trọn vẹn theo những bước chạy với niềm đam mê, sự bền bỉ phi thường của huyền thoại điền kinh Bùi Lương đã ngừng lại. Thế nhưng, sự nghiệp, di sản mà trên hết là một tấm gương yêu tin, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của nhà điền kinh, chân chạy “vạn dặm” này sẽ còn mãi.

HLV huyền thoại Bùi Lương đặc biệt có duyên với Cúp Chiến thắng, giải thưởng được ví như Oscar của thể thao Việt Nam.

Năm 2016, ông được trao giải Thành tựu trọn đời của Cúp Chiến thắng với sự thống nhất ủng hộ tuyệt đối từ Ban Tổ chức cùng các thành viên Hội đồng Bình chọn. Phần trao và nhận giải của ông đã để lại ấn tượng, niềm xúc động cùng sự lan tỏa lớn lao.

Ông cũng hai lần tham gia trao giải cho các ứng viên thắng giải ở hạng mục HLV của năm (2019 và 2022) với những lời phát biểu cùng phong cách đặc sắc. HLV Bùi Lương đã tham dự đủ các chương trình gala trao giải, mà mới nhất là lễ trao giải lần thứ 7 vào tối 16/1.

Theo HLV Bùi Lương, chiếc Cúp Chiến thắng là một niềm vinh dự, một cột mốc sáng giá bậc nhất trong cuộc đời, sự nghiệp mà ông nhận được. Còn với Cúp Chiến thắng, HLV Bùi Lương thực sự là một biểu tượng, một niềm tự hào lớn lao.